Cẩm nang xử lý đất trồng cây có múi

Làm sao để xử lý đất trồng cây có múi (bao gồm các họ thuộc nhà cam, quýt, chanh, bưởi là cây lâu năm, thân gỗ) đúng cách, hiệu quả và có được năng xuất cao, bài viết dưới đây sẽ giúp quý bà con có thêm tư liệu tham khảo cách xử lý đất trồng cho nhóm cây có múi này nhé.

xử lý đất trồng cây có múi

Yêu cầu về đất trồng cây có múi

    • Cây có múi có bộ rễ sinh trưởng nhiều trên lớp đất mặt từ 50cm trở lên.
    • Đất trồng cần có nhiều mùn, có khả năng giữ nước khi khô hạn
    • Không úng khi mưa nhiều.
    • Nên chọn trồng trên đất có tầng đất canh tác dày, giàu mùn, đất thoát nước tốt, thành phần cơ giới cát pha, thịt nhẹ, đất phù sa cổ, đất bồi tụ (lâu năm), chân ruộng đắp cao, các sườn đồi thoải, đất bãi.
    • Nếu trên đất đồi phải chú ý độ dốc để không bị rửa trôi chất màu, cây bị long gốc.
    • Đất có kết cấu tốt như đất đỏ bazan vẫn trồng tốt
    • Không nên trồng trên các vùng quá khô hạn, xa nguồn nước tưới hoặc nơi đất trũng, khó thoát nước.

Xử lý cỏ dại và xử lý đất trồng cây có múi

Xử lý cỏ dại

Nhìn chung đất trồng cây có múi phải được làm kĩ. Trước khi trồng cây có múi có thể dùng một số loại thuốc trừ cỏ để xử lí đất, nhất là khi cỏ dại. Các thuốc hiệu quả là Heco 600EF, Vifosat 480DD…
Cày xới lật gốc cỏ và gom đốt hoặc dọn sạch

Xử lý đất

Trước khi trồng khoảng 2 tháng tiến hành làm đất, cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, gốc rễ cây (nếu đất khai hoang), xử lý đất bằng vôi bột (500 kg/ha), Benlate (20 kg/ha), Basudin, Vibasu 10H (15 – 20 kg/ha).
Cày phơi đất.

Làm đất trồng cây có múi

Yêu cầu làm đất trồng cây có múi

Biện pháp làm đất, chuẩn bị cho việc trồng cây có múi phải đạt được các yêu cầu sau đây:
– Hạn chế đến mức tối thiểu sự phá vỡ kết cấu đất, tăng cường độ thông thoáng, tơi xốp của đất.
– Đất sau khi làm phải bằng phẳng, sạch cỏ dại và mầm mống sâu bệnh.
– Độ sâu làm đất đủ để tạo cho lớp đất mặt tơi xốp tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt.

Chuẩn bị đất trồng cây có múi

Đất mới

Ở những vùng đất thấp (Đồng bằng sông Cửu Long)

Phải đào mương lấy đất lên liếp để xả phèn và nâng cao tầng canh tác.
Liếp rộng khoảng 6-8m, hình mai rùa, mương rộng hay hẹp còn tuỳ theo thế đất cao hay thấp, nếu đất không thấp lắm thì mương có thể để rộng 1-2m, nếu đất thấp nhiều thì mương có thể để rộng từ 2-3m, sâu 1-1,5m. Khi đào mương lấy đất, chú ý không được đem lớp đất sinh phèn (nếu có) lên mặt liếp.
Nếu đất chua cần bón thêm vôi để nâng cao độ pH lên khoảng 5,5 – 6,0.
Ở vùng có tầng canh tác dày mực thuỷ cấp thấp và không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hàng năm thì có thể lên liếp theo kiểu đắp mô rồi trồng cây lên mô.
Ở những vùng thấp thường bị nước mưa làm ngập hàng năm sau khi lên liếp cần đắp mô rồi mới trồng cây lên mặt mô, mô cao từ 0,3-0,5m (tuỳ theo mặt vườn cao hay thấp), rộng 0,6-0,8m. Trên mặt mô tạo hố để bón lót phân chuồng trước khi trồng. Xung quanh vườn, xây dựng hệ thống bờ bao để có thể bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết.

Ở những vùng đất cao như miền Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ

Ở những vùng đất cao như miền Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ… phải chọn nơi có nước tưới hoặc nước ngầm để tưới vào mùa khô.
Không cần phải đào mương lên liếp, chỉ đào hố, trồng ngang quanh mặt đất và đắp bờ vồng xung quanh để khi tưới nước trong mùa khô nước không bị tràn ra ngoài. Đến mùa mưa phá bờ vồng để cây khỏi bị úng nước, nếu không cây có thể bị chết và bị bệnh thối gốc chảy mủ khi bị úng nước. Hố trồng đào rộng 0,6-0,7m, sâu khoảng 0,5m.
Khi thành lập vườn cần chú ý hướng Đông – Tây để thiết kế liếp trồng vuông góc với hướng Đông – Tây, khi đó các cây trong vườn sẽ nhận được đầy đủ ánh sáng hơn
Giải phóng đất sớm trước khi trồng. Nếu là đất chu kì 2 nên trồng 2 – 3 vụ cây họ đậu để cải tạo đất.

Tạo cách ly không gian với các vùng xung quanh để tránh các vectors lây nhiễm bệnh: Trồng hàng cây chắn gió, tốt nhất nên trồng bạch đàn, keo tai tượng, cao su… Hàng cây chắn gió có thể ngăn được một số loài sâu bệnh hại, vectors truyền bệnh và ngăn cản được những đợt gió mạnh và nóng đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung bộ… làm giảm nhiệt độ và giảm thoát nước bề mặt khi gặp gió Tây Nam.
Thiết kế lô, thửa, xây dựng hệ thống chống xói mòn, hệ thống tưới và thoát nước.
Chọn cây ngắn ngày trồng xem thích hợp, nhất là cây họ đậu.

Đất cũ

Chọn vị trí mới để đắp mô trồng nhằm tránh các ổ sâu bệnh cũ và tạo môi trường tốt cho cây phát triển. Thời kỳ đầu có thể giữ cây trồng cũ để tận thu, ổn định thu nhập, che mát cho cây mới trồng và hạn chế cỏ dại.
Vệ sinh đồng ruộng: Chặt bỏ các cây có múi bị bệnh virus hoặc tương tự virus ở vùng xung quanh.

Khoảng cách trồng cây có múi

Đối với cây Bưởi

Khoảng cách trồng trung bình có thể là 4 – 5m x 5 – 6m (tương đương mật độ trồng khoảng 35 – 50cây/1000m2).
Thông thường khoảng cách trồng là 5m x 5m (cây cách cây x hàng cách hàng).
Mật độ: 400 cây/ha.
– Miền Tây (Đồng bằng sông Cửu Llong) trồng khoảng cách 6m x 6m
– Miền Đông và Duyên Hải Miền Trung bộ có thể trồng khoảng cách thưa hơn 7m x 8m (178cây/10000m2)

Đối với cây Cam

Khoảng cách trồng phổ biến là 4m x 5 (tương đương mật độ trồng khoảng 5000cây/10000m2), có thể trồng dầy hơn đối với giống chiết 4×3 hay 3 x3m( 800-1000cây/ha)
Mô hình trồng cây có múi vùng đất thấp.

Đối với cây Chanh

Trồng thuần 2.5m x 2.5m(1600cây/ha), trồng xen thường là 3,5x 3-4m (900cây/ha).

Đối với cây Quýt

Trong điều kiện đất tốt, có thể trồng dày hơn nơi đất xấu, đất nghèo dinh dưỡng. Thông thường ta có thể trồng với khoảng cách 3 x 4m hoặc 4 x 4m (từ 600-700cây/ha).

Chuẩn bị mô (hố)

Đối với đất thấp: Chuẩn bị mô trên liếp

Vùng đồng bằng nên làm ụ (mô đất) để nâng cao tầng canh tác, đất làm mô trồng thường là đất mặt ruộng hoặc đất bãi ven đồi, ven sông. Mô được đắp trước khi trồng 2-4 tuần.
– Kích thước mô: cao 40-60cm, đường kính 80-100cm.
– Việc bón phân đắp ụ phải được tiến hành trước khi trồng 20-30 ngày.

Đối với đất cao

Áp dụng đào hố cho vùng cao, vùng đồi: đào hố trồng rộng 0,6 – 0,7m, sâu khoảng 0,5m. thiết kế hệ thống tưới, hố giữ nước tưới vào mùa nắng.
Mỗi hố bón khoảng 10 – 15kg phân chuồng đã hoai mục, 0,5kg supe lân, 0,5kg vôi bột và đất bột trộn đều. Sau khi bón khoảng 2-3 tuần thì có thể trồng cây. Khi thành lập vườn cần chú ý hướng Đông – Tây để thiết kế liếp trồng vuông góc với hướng Đông- Tây, khi đó các cây trong vườn sẽ nhận được đầy đủ ánh sáng hơn
Với vùng đồi, trước khi trồng 1 tháng đất phải được dọn sạch cỏ, cày lật đất, chia lô, chia hàng, đào hố bón lót.
Kích thước hố: 40x40x40cm (đất hẹp), hoặc 60x60x60cm, đất đồi núi 70x70x70cm
Khi đào lớp đất mặt để riêng, lớp đất dưới trộn với phân chuồng . Khi lấp đất, dùng cuốc phá thành cho lớp đất mặt xuống dưới, hỗn hợp phân đất đắp lên sau tạo thành mô cao hơn mặt ruộng từ 20-30cm.

Bón phân lót cho cây có múi

Trên mô hố trồng trước khi trồng cần bón: Đất đắp mô được trộn với phân chuồng, lân, vôi với liều lượng như sau: phân chuồng 30-50kg + 0,5kg supe lân + 1 – 1,5kg vôi (có thể bổ sung 200g DAP (18%N, 46%P2O5) hoặc phân hỗn hợp NPK 16-16-8) kết hợp xử lý thuốc trừ sâu (Basudin 10H…) 0,1kg). để trừ mối, kiến, dế…

Cách bón phân lót cho cây có múi:

Trộn đều lượng phân trên (không có vôi và thuốc) với lớp đất mặt và lớp đất giữa (khi đào hố để riêng).
– Trả lớp đất dưới xuống hố, tiếp đó lấp phân và đất đã trộn xuống hố, dùng cuốc phá thành hố sau đó rải vôi lên mặt hố và lấp đất mỏng 2-3 cm.
– Tiếp đó bơm nước vào đầy hố, khoảng 10-15 ngày sau bón thuốc sâu bột trên mặt hố, dùng cuốc đảo trộn đều khoảng 15 ngày sau là trồng được. Nếu không có phân chuồng có thể sử dụng phân hữu cơ sinh học với lượng 10 – 15 kg/hố.

Hy vọng với những thông tin về cách xử lý đất trồng cây có múi trên đây sẽ giúp bà con có thêm tư liệu xử lý đất trồng nhé. Chúc quý bà con có được vụ mùa như ý.

Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây có múi – Bộ NN&PT NT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *