Cách bón phân cho cây có múi

Ở bài viết trước Tiên Garden đã chia sẻ với quý bà con cách xử lý nồng độ pH cho đất, cách xử lý đất trồng cây có múi, hôm nay chúng tôi gửi đến quý bà con cách bón phân cho cây có múi vì bên cạnh việc xử lý đất, chọn giống thì bón phân cũng là yếu tố quyết định. Hãy cùng tham khảo cách bón phân cho cây có múi ngay bên dưới.

Nhu cầu dinh dưỡng của cây có múi

Tìm hiểu nguyên tố dinh dưỡng cây có múi

Nguyên tố dinh dưỡng cây trồng cần thiết là những nguyên tố

+ Thiếu nó cây không thể hoàn thành chu trình sống;
+ Không thể thiếu hoặc thay thế bằng nguyên tố khác.
+ Trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển hóa vật chất trong cơ thể. Các nguyên tố dinh dưỡng cây trồng cần thiết
– Carbon (C), hydro (H), oxy (O) là 3 nguyên tố chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong cây (khoảng 95% trọng lượng của cây). Ba chất này được cây lấy trực tiếp từ nước, đất và không khí.
– Đạm (N): quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cũng như trong quá trình hình thành hoa và quả
Đủ N cây sinh trưởng tốt, thiếu N cây còi cọc., lá vàng, bón quá nhiều N cây sinh trưởng quá mạnh có hại cho sự phân hoá hoa. Cây nhiều tược, lá to nhưng mềm, quả lại sần sùi, vỏ dầy, thô, hương vị kém.
– Lân (P): Tác dụng giữ sản lượng và phẩm chất hàng năm. Lân giúp điều hoà dinh dưỡng N của cây. Thiếu P lá phát triển không bình thường, đầu lá bị tù, huyển màu đồng và dễ rụng, vỏ trái dầy.
Đủ lân quả phát triển tốt, vỏ cứng múi ngọt, nhiều nước, tăng tỷ đường trong quả, quả mau chín,vỏ chắc, dễ bảo quản
Nếu thừa lân cũng làm cành cây có múi sinh trưởng mạnh, ít cành tược.
– Kali (K):
Được xem là nguyên tố phẩm chất (quả to và ngọt hơn), chắc mô giúp chống tốt. Thiếu kali lá phát triển không bình thường. có những vết xám hay màu đồng, dễ rụng, cây chịu rét kém, sức chống chịu bệnh yếu, chất lượng kém, nhiều kali ảnh hưởng đến sinh trưởng
– Canxi (Ca), Magiê (Mg), lưu huỳnh (S) là những nguyên tố cần thiết Thiếu Ca lá vàng rụng sớm, cành non dễ bị khô
Thiếu Mg lá vàng phiến lá, phần gần cuống lá có màu xanh chữ V ngược.
– Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Mangan (Mn), Đồng (Cu), Bo (B), Molipden (Mo), Clo (Cl)… được cây hút với lượng nhỏ nhưng rất cần thiết
– Thiếu Fe lá vàng, rụng sớm, cành cũng vàng và khô từ đầu cành vào, cây chịu rét kém, quả rụng lúc còn xanh
Các nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu chia làm 2 nhóm
– Các nguyên tố cây sử dụng nhiều không thể thiếu trong quá trình sinh trưởng phát triển (>100mg/1kg chất khô của cây): C, H, O, N, P, K, S, Ca, Mg.
– Các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng cây trồng cần với số lượng ít (100mg/1kg chất khô của cây): Fe, Mn, B, Cl, Zn, Cu, Mo.

Vai trò của một số nguyên tố dinh dưỡng với cây có múi

Mỗi một nguyên tố dinh dưỡng có một vai trò rõ ràng và riêng biệt đối với sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Sự thiếu hụt hay dư thừa đều dẫn đến sự bất lợi cho cây trồng.

Bảng 1: Vai trò các nguyên tố đa lượng

Vai trò các nguyên tố đa lượng

Các nguyên tố đa lượng có vai trò:
– Cấu trúc của tế bào, cơ thể: là thành phần cấu tạo các đại phân tử hữu cơ (prôtêin, axit nuclêic, cacbonhiđrat, lipit…)
– Điều tiết các quá trình sinh lý: là thành phần cấu tạo của các enzim, …

Bảng 2: Vai trò các nguyên tố vi lượng

Vai trò các nguyên tố vi lượng

Cách tính lượng phân bón cho cây có múi

Các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng nói chung, cây có múi nói riêng được cung cấp qua các loại phân bón, vì trong đất hàm lượng dinh dưỡng khoáng không đủ cung cấp cho cây trồng
Hàm lượng dinh dưỡng cây trồng trong phân bón:
Các loại phân bón trên thị trường phải đảm bảo về loại và hàm lượng các chất dinh dưỡng. Các thông tin nầy phải được ghi trên bao bì của các loại phân bón. Hàm lượng dinh dưỡng nguyên chất của phân bón được diễn tả bằng (%) phần trăm:
– N tổng số (Nts)
– Lân tan trong muối citrate (P2O5hh)
– Kali tan trong nước (K2Ohh)
% (phần trăm) chất dinh dưỡng nguyên chất có trong phân, có nghĩa là lượng dinh dưỡng nguyên chất có trong phân được buôn bán trên thị trường.
Ví dụ phân urê có 46% N, nghĩa là 100kg phân ure có 46kg N
N, P2O5, K2O được gọi là hàm lượng hữu dụng nguyên chất của phân bón. Theo thông lệ hàm lượng P và K được diễn tả dưới dạng oxide của nguyên tố. Do đó, khi một bao phân NPK có hàm lượng ghi là 4-8-12 có nghĩa là loại phân đó có chứa 4% N, 8% P2O5 tan trong muối citrate, và 12% K2O tan nước. Vì vậy 1 bao phân bón (50kg) N.P.K 4-8-12 này sẽ có chứa 2kg N, 4kg P2O5, 6kg K2O.
Công thức tính lượng chất dinh dưỡng nguyên chất:
(Trọng lượng phân) x (% chất dinh dưỡng /100) = Trọng lượng chất dinh dưỡng nguyên chất.
Ví dụ:
Phân bón hỗn hợp N.K.P 4-8-12 trên, bao 50kg sẽ có:
50kg x 0.004= 2kg N
50kg x 0.08 = 4kg P2O5
50kg x 0.12 = 6kg K2O
Tương tự như thế có thể tính từ những loại phân khác bón cho cây có múi từ lượng phân nguyên chất tính ra phân thành phẩm, tuỳ theo như cầu của cây.
Công thức tính
Lượng phân thành phẩm = (lượng phân nguyên chất cần) / (% lượng nguyên chất có trong phân) x 100.
Ví dụ bón cho cây cam cần 300g N/ cây, vậy cần bao nhiêu phân ure?
Ta biết phân ure có 46%N (100g ure có 46g N), 300g N cần:
Ure (g) = 300/0.46 = 652,2g

Nguyên tắc bón phân cho cây có múi

 Đúng loại phân

– Sử dụng đúng loại phân mà cây trồng yêu cầu và phù hợp với từng loại đất. Vì vậy cần phải hiểu rõ yêu cầu của từng loại cây: cần loại phân gì, tỷ lệ bao nhiêu tùy theo từng thời kỳ sinh trưởng, và nó được trồng trên loại đất có tính chất ra sao…
– Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có loại cây ở giai đoạn sinh trưởng cần kali hơn đạm; cũng có loại cây ở thời kỳ phát triển lại cần đạm hơn kali. Bón đúng loại phân mà cây cần mới phát huy hiệu quả
– Cây trồng yêu cầu phân gì bón phân đó. Phân bón có nhiều loại, nhưng có 4 loại chính là: N, P, K, S; mỗi loại có chức năng riêng. Bón phân không đúng yêu cầu, không phát huy được hiệu quả còn gây hại cho cây.
Ví dụ: Giai đoạn đầu của hầu hết các loại cây trồng đều cần loại phân có hàm lượng Đạm cao hơn. Nếu dùng phân hỗn hợp NPK để bón cho cây thì chọn loại có hàm lượng đạm cao như: NPK 20-10-10, NPK16-16-8,….
– Bón đúng không những đáp ứng được yêu cầu của cây mà còn giữ ổn định của môi trường đất. Đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axít cao quá ngưỡng, đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng.
Ví dụ: Ở vùng đất quá chua, phèn thì nên sử dụng phân lân nung chảy hoặc lân có trong NPK để bón cho cây. Không nên sử dụng phân có gốc axít (phân lân supe) sẽ làm tăng độ pH của đất, cây không hấp thu được dinh dưỡng, bộ rễ không phát triển được.

Đúng liều lượng

– Liều dùng là bao nhiêu? Hầu hết trên nhãn bao bì đều có hướng dẫn. Để sử dụng đúng liều lượng phân bón nhằm tiết kiệm được kinh tế, phù hợp với yêu cầu của cây trồng, tránh lãng phí phân bón, thì người sử dụng phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và kết hợp với quan sát hình thái và tình trạng của cây, đất đai nơi trồng cây, thời tiết, mùa vụ để quyết định bón lượng phân thích hợp.
– Trong canh tác, nông dân cũng có thể tùy theo sức sinh trưởng, sức đậu và nuôi trái của cây mà gia giảm lượng phân cho tương đối, bên cạnh đó cũng cần lưu ý điều kiện thổ nhưỡng và pH của môi trường đất.
Ví dụ: Trên bao bì sản phẩm phân bón lá Better 001 HG -Grow có ghi pha10 g cho một bình 8 – 10 lít, lắc đều cho tan. Thì phải pha đúng theo hướng dẫn nếu pha với lượng nước ít hơn thì sẽ làm cháy lá, nhiều hơn thì hiệu quả không cao…

Đúng lúc

– Đúng lúc là bón đúng lượng phân và đúng loại phân khi cây trồng cần. Trong suốt thời kỳ sống, cây trồng luôn luôn có nhu cầu các chất dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển, vì vậy nên chia ra bón nhiều lần theo quy trình và bón vào lúc cây phát triển mạnh, không bón một lúc quá nhiều, sai nguyên tắc. Việc bón quá nhiều phân một lúc sẽ gây ra thừa lãng phí, ô nhiễm môi trường, cây sử dụng không hết sẽ làm biến dạng dễ nhiễm bệnh, năng suất chất lượng nông sản thấp.
Ví dụ: Để cây ăn trái ra bông và đậu trái nhiều thì ta phải bón phân cho cây ở thời điểm chuẩn bị ra bông và trong thời kỳ nuôi dưỡng trái bón thêm phân bón lá…

 Đúng cách

– Bón đúng cách là bón phân sao cho cây trồng hấp thu hiệu quả nhất lượng phân bón vào (đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
– Một khi đã xác định được đúng phân, thuốc, pha đúng liều lượng và chọn đúng thời điểm để xử lý mà cách dùng lại không đúng thì làm giảm tối đa hiệu quả sử dụng.
Ví dụ: Phân bón lá thì phải phun vào lúc trời mát, khoảng 8–10 giờ sáng hoặc 15–17 giờ chiều, thì lúc đó cây mới không bị cháy lá, hấp thu tối đa lượng phân được phun…
– Sử dụng phân phun qua lá sẽ không mang lại hiệu quả mà ngược lại sẽ làm tổn thương cây (cháy lá) nếu sử dụng không đúng cách. Lá cây trồng, ngoài chức năng quang hợp còn có vai trò thoát hơi nước qua hệ thống khí khổng, đó là những lỗ nhỏ li ti nằm phần lớn ở mặt dưới lá và cũng chính nơi đây mới có điều kiện hấp thu phân qua lá. Do đó khi sử dụng phân phun qua lá cần phải phun tập trung ở mặt dưới lá.
– Trong sử dụng phân bón hữu cơ khuyến cáo khi bón phân hãy đào rãnh và bón vòng theo hình chiếu của tán cây, phân hóa học như NPK bón theo đường rãnh cách gốc 2/3 hình chiếu của tán cây, bởi sự phân bố rễ cây có múi tập trung trong phạm vi hình chiếu cảu tán, bên cạnh đó phân khi bón vào đất phải có quá trình hòa tan, phân ly tạo các ion và bám vào keo đất. Do đó bón phân theo hình chiếu tán, để phân có thời gian hòa tan, rễ có thời gian tìm đến để hấp thu phân.
– Việc sử dụng đúng 04 nguyên tắc trên ngoài việc giảm tối đa chi phí đầu vào cho việc sản xuất hàng nông sản còn làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, và không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Các phương pháp bón phân cho cây có múi

Bón lót cho cây có múi

Lượng phân tuỳ theo loại cây có múi, bón lúc chuẩn mô (hố trồng), trước trồng 2-4 tuần.
Các loại phân sử dụng: phân hữu cơ hoai mục, phân lân, vôi
Lân khó tan, chỉ tan trong môi trường chua nên thường dùng bón lót, bón những nơi đất chua cho hiệu quả cao.

Bón thúc cho cây có múi

Các loại phân đạm, phân kali, phân vi lượng.
Thường dùng để bón thúc, bón vãi (trộn lẫn với than bùn hoặc đất tơi, mùn) hoặc hòa tan phun lên lá (phân vi lượng), không nên bón tập trung. Thường dùng cho các loại cây ưa nước, kết hợp bón vôi khử chua
Phân vi sinh: Có thể bón lót hoặc thúc, trộn với than bùn, bột quặng, rơm rác hoai mục. Bón qua rễ.
Cây thời kỳ kinh doanh cơ bản chia 4 lần:
+ Lần 1: Sau khi thu hoạch trái, cắt tỉa, bón giúp cây ra chồi, cành, lá đồng đều, gia đoạn này các lọai phân có hàm lượng N cao.
+ Lần 2: Khi chuẩn bị ra hoa, giúp phân hóa mầm hoa, phát triển hoa, giai đọn này cần phân có hàm lượng lân cao
+ Lần 3: Khi cây đậu trái, giúp trái phát triển, cần bón N, P, K cân đối không nên bón quá nhiều N
+ Lần 4: Chuẩn bị thu hoạch, giúp tăng phẩm chất trái, cần lượng K cao, tăng chất lượng trái.

Bón qua lá

Phân qua lá không thể hoàn toàn thay phân qua gốc và ngược lại. Đồng thời phân qua gốc không thể dùng làm phân qua lá song phân qua lá lại có thể dùng làm phân qua gốc (nhưng quá cao và không cần thiết). Phân qua gốc/rễ là con đường cung cấp dinh dưỡng chính và chủ yếu của cây trồng nhưng phân qua lá lại là con đường cung cấp dinh dưỡng nhanh và hiệu quả nhất đối với cây trồng. Hiệu suất sử dụng phân qua gốc/rễ chỉ đạt khoảng 40% song hiệu suất sử dụng phân qua lá lại đạt tới 80-90%.

Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây có múi – Bộ NN&PT NT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *