Mô hình bưởi da xanh, xen dừa xiêm xanh hiệu quả kinh tế cao

Thời gian qua, mô hình trồng xen bưởi da xanh trong vườn dừa phát triển mạnh tại tỉnh Bến Tre. Mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân trên cùng một đơn vị diện tích. Điển hình như mô hình của anh Nguyễn Thành Chinh, ấp Kinh Củ, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm.
Để thành công với mô hình này, bản thân anh và gia đình cũng nhiều đêm trăn trở, bàn tính chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi như thế nào để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, là khi Dự án xây dựng mô hình sản xuất bưởi da xanh theo hướng an toàn và chất lượng trên địa bàn huyện do Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đầu tư đã mở ra một hướng sản xuất mới cho gia đình anh.
Theo anh Chinh, bưởi trồng khoảng 03 đến 04 năm là cho thu hoạch, trước khi trồng điều quan trọng là phải đắp mô, lên liếp và trồng với mật độ thích hợp là 40 cây/1.000m2. Hiện 1 ha đất sản sản xuất được anh trồng khoảng 400 gốc bưởi da xanh, xen vào đó là 200 gốc dừa xiêm xanh. Theo đó, hàng dừa xiêm được trồng giữa bờ, 02 bên triên bờ là 02 hàng bưởi da xanh, với khoảng cách 06 mét/cây. Anh Chinh chia sẻ, dừa là cây trồng chủ lực, truyền thống của người dân Bến Tre, còn cây bưởi da xanh là cây ăn trái đặc sản, do đó, hai loại cây này đều mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, để hạn chế rủi ro về giá cả, cũng như trong điều kiện biến đổi khí hậu nên anh quyết định chọn hướng sản xuất của mình là trồng xen canh, chứ không trồng chuyên canh.

Mô hình bưởi da xanh, xen dừa xiêm xanh hiệu quả kinh tế cao

Vườn bưởi xen dừa của anh Chinh

Hiện vườn bưởi da xanh xen dừa xiêm xanh của anh Chinh đã cho trái ổn định, trung bình mỗi tháng từ cây bưởi anh có thu nhập gần 30 triệu đồng và cây dừa là trên 10 triệu đồng. Kết quả trên cho thấy, mô hình trồng xen đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Cây bưởi cần tán che mát của dừa và khi tưới nước, phân cho bưởi dừa cũng hấp thu nên cả 2 đều phát triển tốt. Tuy nhiên, để bưởi có lượng ánh sáng, không khí nhất định trong quá trình quang hợp, trao đổi chất và đủ đất ăn thì dừa phải trồng thưa hơn so với cách trồng truyền thống. Đồng thời cùng lúc chăm sóc cả hai nên đỡ tốn công, ít chi phí và hạn chế rủi ro về giá cả.
Trong quá trình chăm sóc bưởi, anh ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, vi sinh để bảo vệ môi trường và đặc biệt bảo vệ thiên địch.

Bài, ảnh: Nguyễn Trung
Nguồn: btusta.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *