Huyện Chi Lăng ‘thay da đổi thịt’ nhờ na

Trong 5 năm (2015 – 2020), huyện Chi Lăng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng về phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây lâm nghiệp, ăn quả, công nghiệp ngắn ngày.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng trồng cây thuốc lá (diện tích trên 900 ha; giá trị kinh tế hằng năm trên 100 tỷ đồng); vùng trồng cây hồi (diện tích trên 1.400 ha; giá trị kinh tế trên 50 tỷ đồng); vùng trồng ớt (diện tích trên 500 ha; giá trị kinh tế trên 100 tỷ đồng); vùng trồng cây có múi (diện tích trên 400 ha, giá trị kinh tế trên 70 tỷ đồng). Đặc biệt, vùng trồng na được mở rộng tới hơn 2.000 ha, ước đạt doanh thu hơn 700 tỷ đồng một năm và mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho Chi Lăng.

Na Chi Lăng có nhiều đặc điểm khác biệt với những giống na ở các vùng khác. Đó là quả to đều, khi chín có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, thịt quả nhiều, có màu trắng kem và ăn rất ngon miệng. Thêm vào đó, với khí hậu đặc trưng của vùng đất xứ Lạng kết hợp vùng núi đá vôi Cai Kinh giàu khoáng chất, cây na sinh trưởng, phát triển tốt. Điểm đặc biệt nữa thu hút người tiêu dùng là toàn bộ diện tích trồng na của huyện (hơn 2.000 ha) đều được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ những năm 2013, huyện Chi Lăng bắt đầu áp dụng sản xuất na đạt tiêu chuẩn VietGAP; và đến năm 2017 áp dụng theo bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017 vào sản xuất na. Tính đến nay, huyện đã thực hiện được 613,62 ha na đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhờ biết cải thiện trọng lượng, chất lượng quả na, không còn nhiều na nhỏ trên cây, thay vì thu 2 – 3 gánh na nhỏ như trước đây, hiện tại nông dân chỉ cần thu về một gánh na to được sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá na đạt mức cao nhất là 60.000 đến 80.000 đồng/kg.

Vào tháng 7 và 8, thời điểm thu hoạch na tập trung với sản lượng lớn (bình quân những ngày na chín rộ có thể thu hoạch đạt 550 – 650 tấn/ngày). Mọi năm, giá na dao động từ 48.000 đồng đến 50.000 đồng một kg, năm nay, dù dịch bệnh cũng chỉ sụt giảm 5.000 – 7.000 đồng. Mỗi năm thu nhập của các hộ từ 300 đến 500 triệu đồng.

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch huyện Chi Lăng cho biết Chi Lăng là vùng trồng na tập trung với diện tích toàn huyện năm 2020 đạt hơn 1.804 ha, sản lượng ước đạt 16.500 tấn, giá trị bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha. Doanh thu từ na ước đạt gần 700 tỷ đồng, chiếm hơn 27% tổng doanh thu 19.000 tỷ đồng của nông sản toàn huyện. “Năm 2021, diện tích na Chi Lăng vượt trên 2.000 ha, cho sản lượng 19.000 tấn và dự kiến đạt doanh thu 720 tỷ đồng, mang lại thu nhập ổn định và làm giàu cho trên 3.500 hộ gia đình tại 9 xã, thị trấn”, ông nói.

Tỷ trọng này của na duy trì ổn định trong nhiều năm gần đây. Na trở thành mặt hàng nông sản mũi nhọn của huyện do tính bền vững, ít rủi ro trong sản lượng và doanh thu, vượt trội hơn hẳn những loại nông sản khác.

Cây na trở thành thương hiệu của huyện Chi Lăng, là nông sản chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân. Việc sản xuất và buôn bán na giúp doanh thu của bà con tăng gấp 5 lần so với canh tác các loại cây trồng nông nghiệp trước kia. Nhiều hộ xây được nhà tầng, mua sắm các phương tiện phục vụ sản xuất như: máy cắt cỏ, máy cày, xe tải…

Từ một loại quả xứ lạ đến, na Chi Lăng từng bước khẳng định chỗ đứng trong hệ thống các mặt hàng nông sản của tỉnh Lạng Sơn.

Giữ vững giá trị của thương hiệu “Na Chi Lăng” cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ trong thời gian tới là mục tiêu chung của lãnh đạo huyện cũng như bà con Chi Lăng.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết nhằm tiếp tục duy trì, giữ vững nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm na Chi Lăng và mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn vùng trồng na tổ chức sản xuất đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, trong những năm tới, huyện sẽ mở rộng thêm diện tích sản xuất na đối với những vùng đất có tiềm năng, thế mạnh phát triển như: xã Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, Thượng Cường, Bằng Mạc… Bởi đây là những vùng đất thuộc vùng núi đá vôi, thích hợp cho cây na sinh trưởng tốt.

Huyện cũng đang hướng tới 100% diện tích na trên địa bàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2016 đến nay, quá trình thực hiện sản xuất đều được UBND huyện Chi Lăng phối hợp với các đơn vị, tổ chức có chức năng cử chuyên gia đến tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng trọt đầy đủ cho người nông dân. Đó là các kỹ thuật chọn giống sạch sâu bệnh, đất trồng, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP đều giúp cho người tiêu dùng và thị trường được hiểu rõ về sản phẩm hơn nhờ có truy suất nguồn gốc rõ ràng. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn sản phẩm phù hợp để yên tâm sử dụng.

Bên cạnh đó, na là loại quả nhanh chín, khó bảo quản. Trước đây, chưa có nghiên cứu rải vụ, người dân chỉ tập trung sản xuất chủ yếu trong vòng 1 – 1,5 tháng, sản lượng na chín tập trung tạo áp lực lớn cho đầu ra. Tuy nhiên, từ khi có biện pháp trồng na rải vụ, quá trình thu hoạch được kéo dài từ 1,5 tháng lên 4 tháng. Trồng rải vụ giúp nâng cao giá trị cho na, không bị áp lực chín trong vòng thời gian ngắn. Đặc biệt, những diện tích na có đầy đủ điều kiện, có thể sản xuất 2 – 3 vụ trong một năm, cho thu nhập cao gấp đôi so với bình thường.

Ngoài kỹ thuật rải vụ, người dân Chi Lăng cũng sử dụng chế phẩm ADG trong bảo quản na sau khi mở mắt. Nếu na bình thường sẽ chín trong 2 – 3 ngày nhưng áp dụng chế phẩm, thời gian kéo dài chín cây lên 8 – 10 ngày, giúp quá trình vận chuyển, tiêu thụ xa tốt hơn.

Nhờ biện pháp này, na Chi Lăng dễ dàng tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Được triển khai từ tháng 6 năm nay, sản phẩm na đã có mặt trên các sàn voso.vn, postmart.vn, đưa nông dân Chi Lăng từng bước tiếp cận với chuyển đổi số kinh doanh. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn giúp hộ gia đình nông dân thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo cách làm truyền thống.

Việc tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cả trong nước và ngoài nước để người tiêu dùng biết đến và sử dụng sản phẩm quả na cũng đang là nỗi trăn trở của huyện Chi Lăng. Khi na đã cải thiện được quy trình bảo quản, trong thời gian tới, mặt hàng này sẽ mở rộng tiêu thụ tại thị trường phía Nam. Đồng thời, khu vực phía Bắc vẫn là thị trường chủ lực của na Chi Lăng.

Đối với Trung Quốc là thị trường tiềm năng, huyện luôn kỳ vọng vào sức mua của thị trường này. Nếu đảm bảo lưu thông đầu ra, việc tiêu thụ na sẽ gặp rất nhiều thuận lợi. “Chúng tôi định hướng đảm bảo tiêu chuẩn cho na như: có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn Việt về sản phẩm nông nghiệp tốt… Chúng tôi cũng liên hệ với đầu thu mua tại Trung Quốc, cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tìm mọi cách đưa sản phẩm na trở lại thị trường này. Hiện nay, huyện vẫn trăn trở làm sao để bảo quản na đưa sang thị trường khác với thời gian vận chuyển dài”, ông Vi Nông Trường cho biết.

Với bề dày phát triển cùng cải tiến không ngừng, na Chi Lăng hứa hẹn sẽ là mặt hàng nông sản đưa kinh tế Lạng Sơn từng bước đi lên. Thương hiệu “Na Chi Lăng” sẽ ngày càng vững chắc, tạo lòng tin tiêu dùng cho cả thị trường trong nước và quốc tế.

Nội dung: Thanh Thư – Hải My * Ảnh: Na Chi Lăng * Thiết kế: Đức Việt

Nguồn https://vnexpress.net/huyen-chi-lang-thay-da-doi-thit-nho-na-4353218.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *